Lượt xem: 937

Những mô hình phụ nữ khởi nghiệp thành công

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gọi tắt là Đề án 939, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, phối hợp với Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng thực hiện hoạt động khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi. Nhiều mô hình kinh tế tư nhân do nữ làm chủ, kinh tế tập thể như Tổ hợp tác (THT) Hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, chị em quan tâm đến từng quy trình xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chuỗi giá trị sạch; tranh thủ sự đầu tư vốn vay để khởi nghiệp.

    Đến nay, tỉnh đã có 14 sản phẩm đạt OCOP của 10 câu lạc bộ (CLB) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh đều phát động Ngày Hội phụ nữ khởi nghiệp; tổ chức sự kiện Kết nối kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm, nhằm giúp cho các chị em có cơ hội giao lưu để giới thiệu sản phẩm, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn để cùng nhau học hỏi… Ngoài việc kinh doanh với sản phẩm hiện có, Hội còn mở 11 lớp tập huấn “sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương phát triển thành sản phẩm truyền thống”, giúp chị em hội viên, phụ nữ nâng cao tư duy theo hướng chuyên nghiệp trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương để làm ra các sản phẩm truyền thống đặc trưng.


Phiên chợ trưng bày sản phẩm của Hội Liên hiệp Phụ nữ tại Huyên Trần Đề. Ảnh Kim Đồng

 

    Chị Cao Thị Ngọc Mỹ, quê Tiền Giang theo chồng về thị xã Ngã Năm, canh tác 9.000 m2 đất vườn nhà để trồng cây mãng cầu và xen thêm cây trái khác như: Mít, dừa xiêm… Rồi từ ý tưởng làm trà từ kinh nghiệm truyền nghề của gia đình và được Hội LHPN địa phương hỗ trợ, vợ chồng chị Mỹ tự mở xưởng tại nhà, mua sắm máy sấy trà, máy ép đóng gói, thuê thêm vài nhân công nữ… Bình quân một chục kg trái mãng cầu tươi, cho ra khoảng 1 kg trà. Niềm vui đến khi sản phẩm trà mãng cầu mang nhãn hiệu Ngọc Trân của chị Mỹ đạt chuẩn VietGAP, được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao tỉnh Sóc Trăng năm 2020.

    Chị Ngọc Mỹ hiện là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Kiên, Chủ nhiệm Tổ Hợp tác đan lục bình ấp Vĩnh Kiên, có 15 thành viên tham gia, làm ra các sản phẩm thủ công như: Túi xách, bình bông, nón, chậu hoa, giỏ… chủ yếu đan đát lục bình vào những lúc nhàn rỗi, bình quân mỗi chị cũng kiếm thêm khoảng 50.000 đ/ngày.

    Một trong những ý tưởng khởi sự kinh doanh để phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế gia đình, đó là chị Nguyễn Thị Út Nhất - Tổ trưởng Tổ Phụ nữ “Sống xanh - bảo vệ môi trường”, thuộc ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung, có 40 thành viên; bên cạnh chị còn điều hành Tổ kết cườm, Tổ Hợp tác bó chổi… với trên dưới 35 chị tham gia, bình quân thành viên kết cườm có thu nhập khoảng 450.000đ/người/tháng và thành viên bó chổi khoảng 900.000đ/người /tháng. Chị Út Nhất cũng là đầu mối thu mua chổi của Tổ giao cho các thương lái đến từ thành phố Sóc Trăng, tỉnh Trà Vinh… Ngoài ra, chị Út Nhất còn có một tiệm tạp hóa, chỉ phục vụ những mặt hàng do Việt Nam sản xuất, với mục đích vận động chị em luôn ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chị còn tự làm nhà lưới trồng rau sạch, nuôi lươn bỏ mối cho thương lái; hàng năm gia đình chị có nguồn thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng.

    Hợp tác xã Thành Đạt, xã Thới An Hội, huyện Kế sách đã ứng dụng hiệu quả mô hình trồng rau hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu, trên diện tích khoảng 2.600 m2, được Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long” hỗ trợ xây dựng 12 nhà lưới trị giá 25 triệu đồng/nhà. Hội LHPN địa phương còn giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư hệ thống tưới phun sương cho 10 nữ nông hộ, mỗi nhà 12 triệu đồng. Trước đây, các nông hộ thành viên HTX chỉ trồng rau có mối bán lẻ ngoài chợ, nhưng từ tháng 5-2020, công ty HATECH nhận bao tiêu sản phẩm, với các loại cải xanh, cải ngọt, tùa sại… giá thu mua tùy thời điểm và luôn cao hơn 2.000 đồng/kg; bên cạnh còn hướng dẫn kỹ thuật trồng rau, chăm sóc theo đúng quy trình, sử dụng phân thuốc thảo dược, vi sinh, nguồn nước tưới, phòng trừ dịch hại không làm ô nhiễm môi trường, đảm bảo rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Hiện nay, công ty cung ứng giống bí non và đã bao tiêu khoảng 50 công, mỗi ngày HTX đáp ứng khoảng 500 kg để giao cho công ty. Qua quá trình sản xuất có hiệu quả, hiện HTX đã ký hợp đồng mở rộng thêm 6 công trồng giống bí này.


Phiên chợ trưng bày sản phẩm của Hội Liên hiệp Phụ nữ tại Huyên Kế Sách. Ảnh Kim Đồng

 

    Vì đam mê, thích tìm tòi cải tiến những món ăn ngon và cũng nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào của miền quê biển; đồng thời được Hội LHPN cùng chính quyền địa phương động viên, hướng dẫn khởi sự kinh doanh; vợ chồng chị Hồ Thu Loan đăng ký giấy phép kinh doanh, kiểm định chất lượng, mã vạch truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… đối với cơ sở mắm cua gạch Thiên Hương, ấp Thạnh An 3, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề. Cơ sở được tỉnh cấp chứng nhận OCOP đạt 3 sao, vì thế càng khẳng định thương hiệu, có được thị phần, xuất đi nhiều tỉnh, thành trong nước, với số lượng bình quân 150.000 hũ mắm cua thành phẩm/ngày.

    Đến nay, toàn tỉnh có 11 CLB doanh nghiệp nữ, cùng hoạt động “Kết nối kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh” đóng vai trò đáng kể, tạo động lực để nữ doanh nhân mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển những sản phẩm truyền thống đặc trưng, thế mạnh của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, vì sự phát triển chung của quê hương.

Việt Nhi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 41
  • Hôm nay: 8297
  • Trong tuần: 79,004
  • Tất cả: 11,802,324